I. Xu hướng phát triển CNTT toàn cầu

 

 

Hiện tại đang có 6 xu hướng chính về công nghệ thông tin - truyền thông, các ứng dụng và dịch vụ ở tất cả các doanh nghiệp trên thế giới, đặc biệt tại các nước công nghiệp phát triển. Đó là:

 

 

1. Tăng tốc độ thay đổi

 

Trong khi nhiều công ty lớn vẫn có thể tiếp tục chi phối việc cung cấp hạ tầng phần cứng và nhiều dịch vụ truyền thông-thông tin, mô hình kinh doanh của họ đang dần thay đổi. Các đối thủ lớn, các hãng thứ ba, các đối tác về mạng, các mô hình kinh doanh mới và người dùng cá nhân đang góp phần tạo ra những lựa chọn khác trên thị trường quốc tế hoá.

 

Những phát triển dồn dập về công nghệ, và mối liên kết ngày càng tăng giữa con người, cơ sở dữ liệu, và các đối tượng, đã góp phần tạo ra đổi mới và sáng tạo, và thúc đẩy sự thay đổi ngày càng nhanh nói trên.

 

2. Đa dạng hoá cơ sở hạ tầng phần cứng và mạng băng rộng tốc độ cao hơn

 

Những bước tiến trong việc đa dạng hoá hạ tầng phần cứng và mạng băng rộng đã báo hiệu một viễn cảnh nhiều lựa chọn hạ tầng hơn, với băng thông cao hơn. Có rất nhiều kênh phân phối các nội dung chuyên biệt như quảng bá di động, dịch vụ trên nền IP, truyền thông mặt đất và vệ tinh. Cách thức truy cập mạng có thể là kết hợp giữa truy cập chia sẻ/truy cập mở với các hệ thống đóng. Những thành tựu về thiết kế vô tuyến thông minh và kết nối phân tán đang làm tăng sự phổ biến của kết nối không dây so với kết nối dây.

 

2.1. Mạng băng rộng

 

Mạng băng rộng sử dụng hàng loạt công nghệ truyền dữ liệu khác nhau, bao gồm cáp quang (FTTx), xDSL (như ADSL, ADSL2+ và VDSL), cáp HCF và mạng không dây (như WiMax, HSDPA, LTE và iBurst), cho phép nâng tốc độ truyền dữ liệu lên cao hơn hẳn so với các dịch vụ băng hẹp.

 

Sự phát triển băng thông là tất yếu để đáp ứng nhu cầu đang tăng nhanh về truyền nhận dữ liệu và multimedia 2 chiều. Tính trung bình, tốc độ mạng băng rộng cao nhất thế giới là ở Nhật, với các dịch vụ cáp quang có tốc độ truy cập mạng cục bộ lên tới gần 100 Mbit/s. Với mạng diện rộng (WAN), đã xuất hiện một chuẩn mới có thể mở rộng lên hơn 10 Gbit/s sử dụng công nghệ cáp quang, và dịch vụ này đang chuẩn bị được triển khai.

 

2.2. Phát quảng bá số

 

Dịch vụ phát quảng bá vô tuyến và TV đang trong quá trình số hóa. Truyền hình số mặt đất cũng đang cạnh tranh với truyền hình số vệ tinh và cáp. Ở các thị trường nước ngoài, khi đã có băng thông đủ lớn (6 Mbits/s), các dịch vụ tương tự phát quảng bá có thể được cung cấp qua Internet (IPTV) với giá hấp dẫn. Trên thị trường kết nối toàn cầu, các nội dung phát quảng bá tại địa phương sẽ phải cạnh tranh với các nội dung số được phát trực tiếp ở nước ngoài.

 

Việc phân phối các nội dung hình ảnh qua điện thoại di động cũng đang phát triển và là một cách khác để xem nội dung số trên TV và PC. Nói chung, sự phát triển của lĩnh vực này phụ thuộc vào mức độ hoàn thiện của chuẩn DVB-H. Ngoài ra, dịch vụ vô tuyến số (digital radio) cũng có thể cung cấp các nội dung như văn bản, multimedia và nhạc cho tải về.

 

2.3. Hệ thống vô tuyến thông minh

 

Hiện tại, một số tính năng của vô tuyến thông minh đã trở thành hiện thực, và hàng loạt công nghệ mới trong lĩnh vực này sẽ tiếp tục được phát triển trong thập kỷ tới. Trong đó, 2 công nghệ nổi bật là vô tuyến tự nhận thức (cognitive radio - CR) và vô tuyến do phần mềm quản lý (software-defined radio - SDR). Đây là các công nghệ đang phát triển rất nhanh, dùng chung phổ tần số mà không bị nhiễu. Về lý tưởng, CR có thể tự mình thích nghi phổ tần một cách tích cực khi có những điều kiện về tần số sóng vô tuyến như nhiễu hay nhu cầu (số người dùng và các ứng dụng của họ).

 

Các tham số hoạt động của SDR không phải do phần cứng quy định, mà được quản lý bởi phần mềm. Điều đó cho phép điều chỉnh sang các tần số khác nhau và việc điều biến có thể thực hiện trên một phổ tần số rất rộng. Theo thiết kế, SDR có thể truyền/nhận nhiều dạng sóng vô tuyến khác nhau bằng cách sử dụng những phần mềm riêng. SDR có thể được nâng cấp rất nhanh và hoạt động cực kỳ linh hoạt.

 

2.4. Mạng cảm biến (sensor network)

 

Mạng cảm biến là thuật ngữ để chỉ các thông tin và cảm biến được tích hợp sẵn trong vật liệu và môi trường. Một ví dụ điển hình của lĩnh vực này là việc xây dựng và triển khai các thẻ RFID bị động (passive RFID tag). RFID (Radio Frequency Identification – Nhận dạng tần số vô tuyến) là công nghệ ra đời từ khá lâu. Các chip dữ liệu không dây cực nhỏ được cấy vào các vật thể, chẳng hạn như cửa kiểm tra an ninh hoặc cổ tay áo một bệnh nhân, và sẽ cho phép truy vấn vào các nội dung mong muốn. Điều này mở ra hàng loạt các ứng dụng về kinh doanh và tiêu dùng. Các phần tử trong mạng cảm biến có thể thông báo vị trí, danh tính, lịch sử, tình trạng hoạt động và nhu cầu vận hành của bản thân chúng.

 

2.5. Mạng tế bào (mesh network)

 

Mạng tế bào cho phép các thiết bị không dây hình thành nên những mạng ngang hàng trên những vùng diện tích lớn với chi phí thấp, băng thông cao, tự cấu hình, và tự sửa chữa, không cần đến quản lý truy cập và các điểm kiểm soát nút mạng. Mạng tế bào đang được sử dụng cho an ninh biên giới và truyền thông tại các sự kiện công cộng quy mô lớn.

 

2.6. Các kỹ thuật truyền nội dung multimedia hiệu quả hơn

 

Những tiến bộ về công nghệ đã giúp tăng lượng dữ liệu có thể truyền được trên cùng một hạ tầng phần cứng sẵn có. Các tiến bộ này chủ yếu bao gồm:

 

•    Dồn kênh — số kênh có thể hỗ trợ trên cùng hạ tầng, kể cả không dây, cáp đồng hay cáp quang;

 

•    Mã hóa — chuyển đổi một tín hiệu từ định dạng này sang định dạng khác;

 

•    Nén — kỹ thuật dùng để giảm số lượng dữ liệu thực tế cần truyền trong khi vẫn duy trì được nội dung ban đầu;

 

•    Hiệu chỉnh lỗi  — kỹ thuật dùng để xác định, hiệu chỉnh hoặc giảm tác động của lỗi trong quá trình truyền tín hiệu số.

 

2.7. Công nghệ xác định vị trí và nhận định khung cảnh (context-aware)

 

Các thiết bị không dây ngày càng có thể xác định chính xác vị trí của một người dùng. Các dịch vụ xác định vị trí đang ngày càng phát triển nhờ các thiết bị hoặc đối tượng có kết nối RFID và GPS (Global Positioning System – hệ thống định vị toàn cầu). GIS (Geographic Information System – hệ thống thông tin địa lý) cũng đang được triển khai rộng rãi cho các yêu cầu như tìm đường đi, xác định địa điểm hoặc chỉ dẫn dịch vụ khẩn cấp. Ví dụ về các dịch vụ xác định địa điểm: điện thoại di động cung cấp thông tin tiếp thị dựa theo địa điểm, thông tin giao thông theo thời gian thực, giám sát xe cộ, giám sát phạm nhân bị quản thúc, v.v. Ngoài ra, chức năng GPS cũng đã được tích hợp vào trong điện thoại di động, thiết bị cầm tay và xe ô tô.

 

2.8. Các công nghệ dành cho hệ thống vận tải thông minh

 

Các hệ thống vận tải thông minh (Intelligent Transportation Systems – ITS) sử dụng rất nhiều công nghệ không dây. Khi được tích hợp vào cơ sở hạ tầng giao thông và xe cộ, các công nghệ này sẽ giúp giám sát và quản lý luồng giao thông, giảm tắc nghẽn, giúp khách du lịch tìm đường đi khác, tăng cường an toàn giao thông. Các công nghệ ITS đều sử dụng mô hình DSRC (Dedicated Short Range Communications – truyền thông tầm ngắn chuyên dụng).

 

2.9. Các dịch vụ vệ tinh

 

Vệ tinh đang dần thay thế một số cơ sở hạ tầng truy cập trên mặt đất. Hoàn toàn không phải chỉ dành cho những thị trường riêng có mật độ dân số thấp và diện tích lớn, vệ tinh đã trở thành phương thức truy cập phổ thông cho nhiều dịch vụ chủ đạo, chẳng hạn các dịch vụ xem TV trả phí. Đối với điện thoại, các dịch vụ di động ngày càng được mở rộng cho những vùng xa thông qua vệ tinh. Các dịch vụ băng rộng trên máy bay chỉ có thể được cung cấp bằng vệ tinh, mà đây đang được coi là một tiện ích coi bản trên các chuyến bay thương mại quốc tế.  Ngoài truyền thông, dự báo thời tiết và các ngành khoa học cũng sẽ tăng cường sử dụng công nghệ vệ tinh.

 

3. Kết nối phân tán

 

Kết nối phân tán bao gồm cả kết nối mạng máy tính và các dịch vụ multimedia trên nền IP. Đáng chú ý nhất là xu hướng này đang được ứng dụng để tích hợp quy trình xử lý thông tin trong mọi hoạt động và lĩnh vực của đời sống, chứ không chỉ bó hẹp trong máy tính để bàn, nên còn được gọi là điện toán khắp nơi (ubiquitous computing).

 

3.1. Công nghệ mạng máy tính

 

Lĩnh vực này bao gồm kết nối mạng ngang hàng, lưu trữ, nén và xử lý dữ liệu, kiến trúc giao diện nền và tích hợp hệ thống. Chi phí lưu trữ đang tiếp tục giảm xuống, trong khi nhu cầu vẫn tăng. Với công nghệ bộ nhớ flash hay lưu trữ thể rắn (solid state), không có bộ phận nào chuyển động như trong ổ cứng, vì vậy dung lượng lưu trữ tăng lên, còn kích thước thiết bị giảm đi (ví dụ: máy nghe nhạc iPod nhỏ hơn và có dung lượng lưu trữ hàng gigabyte). Máy tính nói chung, bao gồm cả PC, bộ chơi game, các thiết bị di động, vẫn không ngừng tăng khả năng xử lý và lưu trữ.

 

3.2. Các dịch vụ trên nền IP

 

Công nghệ truyền trên nền giao thức Internet (Internet protocol – IP) đang thúc đẩy việc thiết kế và sử dụng sự hội tụ của các nền viễn thông và các mạng viễn thông. Chuẩn hóa các mạng trên nền IP là một hoạt động quốc tế quan trọng. Hệ thống phụ multimedia trên IP (IP Multimedia Subsystem – IMS), do công nghiệp truyền thông di động xây dựng, là một kiến trúc hệ thống mở hỗ trợ hàng loạt các dịch vụ multimedia trên nền IP thông qua các mạng chuyển mạch kênh và chuyển mạch gói. Một số ứng dụng điển hình cho dịch vụ trên nền IP là thoại trên IP (Voice over IP – VoIP) và IPTV.

 

4. Các công nghệ quản lý mạng và nội dung

 

Những chủ đề chính trong xu hướng này là tăng cường sử dụng các công nghệ giám sát nội dung, và nhu cầu cải tiến bảo mật điện tử và quản lý danh tính. Gần đây, nhận thức về việc cải tiến để tiết kiệm năng lượng cũng trở nên rõ ràng hơn, nhất là việc sử dụng phát điện nhỏ kiểu phân tán trong các lưới điện thông minh.

 

4.1. Các công nghệ giám sát nội dung

 

Các công nghệ giám sát nội dung bao gồm DPI (deep packet inspection – kiểm tra gói mức sâu) và phần mềm lọc nội dung.

 

DPI kiểm tra cấu trúc bên trong của gói tin để xác định nội dung. Nếu được các ISP (internet service providers - nhà cung cấp dịch vụ Internet) triển khai, nó có thể giúp họ hiểu thêm về người dùng và luồng dữ liệu lưu thông. ISP có thể chặn, định hướng, giám sát hoặc ưu tiên cho luồng dữ liệu đó theo bất kỳ hướng nào.

 

Phần mềm lọc nội dung dùng để chặn truy cập đến một nội dung xác định hay một phạm trù nội dung. Công nghệ này có thể được người dùng cuối triển khai tại nhà hoặc được ISP triển khai trên mạng.

 

4.2. Bảo mật điện tử (e-security)

 

Các ứng dụng Internet như email và trình duyệt web đang được sử dụng ngày càng nhiều trong kinh doanh cũng như các quan hệ xã hội, và do đó tội phạm có tổ chức cũng đang gia tăng chú ý vào các hoạt động tội phạm trên Internet. Thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, và tỉ lệ với nó là các vụ xâm nhập mạng máy tính phức tạp, do đó việc duy trì và cải tiến mức độ bảo mật của các giao dịch trên Internet trở thành ưu tiên hàng đầu, để chống lại việc đánh cắp thông tin cá nhân hay phát tán phần mềm độc hại qua thư rác, hay tấn công website theo hình thức từ chối dịch vụ. Các giải pháp tăng cường thẩm định và xác thực cho các giao dịch Internet đang được nghiên cứu phát triển, và dành cho cả ngân hàng điện tử (internet banking) lẫn các tác vụ truyền thông bình thường như email.

 

4.3. Quản lý danh tính (identity management)

 

Danh tính số (digital identity) là một tập hợp các thuộc tính của một thực thể như người, dịch vụ, thiết bị hay ứng dụng. Để khẳng định một danh tính cụ thể trong mỗi trường hợp, cần phải có sự trao đổi thông tin 2 chiều liên quan đến việc cung cấp một dịch vụ hay ứng dụng cụ thể, mặc dù thông tin đó có thể nhạy cảm hoặc mang tính cá nhân. Cấu trúc, bảo mật, lưu trữ, khả năng tương tác và tính sẵn sàng của danh tính số là những yêu cầu chính của Khuôn khổ quản lý danh tính (Identity Management – IdM) do Liên minh Viễn thông quốc tế đưa ra nhằm thúc đẩy quy trình chuẩn hóa các thuộc tính của danh tính số.

 

4.4. Truy cập và quản lý các công nghệ nội dung số

 

Quản lý bản quyền số (Digital rights management – DRM) là quy trình kiểm soát và bảo vệ sở hữu trí tuệ trong các nội dung được lưu trữ dưới dạng số, bao gồm tài liệu, tranh ảnh, âm thanh, video. DRM cố gắng hạn chế tối đa những việc người dùng có thể làm với nội dung đó, kể cả khi người đó là chủ sở hữu. Việc thực hiện quản lý bản quyền số có thể kết hợp giữa các quy trình mã hóa và xác thực, truy cập có điều kiện. Các công nghệ này có thể được tích hợp trong hệ điều hành hoặc phần mềm của chương trình, hoặc trong phần cứng của thiết bị.

 

4.5. Các ứng dụng tiết kiệm năng lượng

 

Con người ngày càng nhận thức sâu sắc về ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu và nhu cầu tiết kiệm năng lượng. Công nghiệp truyền thông chính là một trong những ngành sử dụng nhiều năng lượng nhất, từ các thiết bị đến các hoạt động lắp đặt, sản xuất. Hệ quả là bản thân ngành công nghiệp này phải có trách nhiệm giảm tiêu thụ năng lượng, thông qua các chính sách, tiêu chuẩn và quy chế quản lý thiết bị. Đồng thời, các công nghệ, cải tiến và thành tựu của ngành này lại hỗ trợ các ngành khác sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.

 

5. Các dịch vụ trên nền web và các mạng xã hội

 

Các công nghệ trên nền web, với chủ đề trung tâm là “Web 2.0”, đã mở ra kỷ nguyên nội dung do người dùng tạo ra (user-generated content – UGC), và cập nhật dữ liệu kèm theo dịch vụ tái sử dụng một cách liên tục, thông suốt. Từ một vài năm nay, web đã giúp xây dựng và phát triển những cải tiến có tính cách mạng. Web đang trở thành một thực thể vừa là nền tảng vừa là cơ sở dữ liệu. Ví dụ như các ứng dụng do bên thứ ba phát triển trong giao diện lập trình ứng dụng (applications programming interface – API), cho phép tương tác giữa các chương trình trên các máy tính nối mạng, mashup (nội dụng lấy từ nhiều website) và widget (đoạn mã nhỏ gọn mà bất cứ người dùng nào cũng có thể cài đặt và chạy trên website của mình). Các công nghệ và chủ đề nổi bật trong xu hướng này hiện này là: Các mạng xã hội (social networking sites – SNS) như MySpace, Facebook; web di động; TV Internet; điện toán đám mây (cloud computing); danh tính ảo; web có ngữ nghĩa (semantic web).

 

6. Tiếp tục đổi mới về khoa học và công nghệ

 

Tổng hợp lại, đổi mới về khoa học công nghệ đang tiếp tục tạo ra những tiến bộ vượt bậc trong năng lực xử lý máy tính, công nghệ màn hình hiển thị, trí tuệ nhân tạo và công nghệ nano. Cụ thể là bộ xử lý máy tính vẫn tiếp tục tăng gấp đôi tốc độ sau 18 tháng theo định luật Moore; màn hình đang chuyển từ dạng ống phóng tia âm cực (cathode ray tube – CRT) truyền thống sang tinh thể lỏng (liquid crystal display – LCD), plasma và màn phát electron (Electron-emitter Display – SED); trí tuệ nhân tạo giúp người máy ngày càng thông minh hơn, chúng có thể đi xuống cầu thang, nói như con người và làm theo lệnh của người; và công nghệ nano đang góp phần tạo ra những sản phẩm thương mại ưu việt hơn trên thị trường, từ pin cho tới máy ảnh số, điện thoại di động và màn hình phẳng.

 

II.    Xu hướng ứng dụng công nghệ và CNTT trong bưu chính

 

Công nghệ và công nghệ thông tin đã đóng vai trò chủ chốt trong hoạt động của các doanh nghiệp bưu chính tại các nước công nghiệp phát triển từ nhiều năm nay. Trong tương lai, đây vẫn sẽ được coi là lĩnh vực mũi nhọn cần đầu tư để giải phóng sức lao động thủ công, tăng năng suất và tốc độ xử lý – khai thác bưu gửi, đồng thời hợp nhất mọi thông tin phát sinh về khách hàng – sản phẩm, phục vụ công tác quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ.

 

Bưu chính nhiều nước như Đan Mạch, Đức, New Zealand vẫn đang tiếp tục đầu tư, nâng cấp các hệ thống tự động hoá hiện có và thay thế bằng hệ thống hiện đại hơn, nhanh hơn, như các máy chia thư thế hệ mới, máy CFC (phân loại, lật mặt, xoá tem), các hệ thống OCR/VCS giúp nhận dạng và xử lý ảnh để số hoá thông tin trên bưu gửi, góp phần đẩy nhanh quá trình khai thác. Đối với các hệ thống tự động hoá này, đang có một xu hướng chung là “online hoá” toàn bộ thông tin phát sinh để quản lý trong một cơ sở dữ liệu tập trung nhằm chống thất thoát doanh thu và giúp cho việc điều phối các nguồn lực sản xuất được nhanh hơn, hiệu quả hơn. Các nhà sản xuất thiết bị lớn như Siemens, Pitney Bowes, Neopost cũng đang đi theo hướng này nhằm đáp ứng nhu cầu của Bưu chính các nước.

 

Ngoài ra, trong bối cảnh sản lượng thư vật lý trên toàn thế giới đang giảm dần, các nhà sản xuất thiết bị tự động hoá đang lựa chọn giải pháp tích hợp nhiều tính năng trong một để tiết kiệm chi phí đầu tư và vận hành cho nhà khai thác, chẳng hạn một máy có thể đồng thời chia chọn cả bưu phẩm và bưu kiện. Đồng thời, xu hướng kết nối đồng bộ các trang thiết bị công nghệ và phần mềm ứng dụng đi kèm vào một cơ sở dữ liệu hợp nhất cũng trở nên ngày càng phổ biến. Chẳng hạn, Bưu chính Áo đang phát triển hệ thống truy tìm – định vị kết hợp với phần mềm, các công nghệ RFID (radio frequency identification), OCR (optical character recognition) và VCS (video coding system) để thu thập và lưu trữ tập trung toàn bộ địa chỉ của các khách hàng, sau đó tính toán lộ trình vận chuyển tối ưu cho bưu kiện và thực hiện chia chọn hoàn toàn tự động.

 

Song song với xu hướng trên, có một giải pháp khác mới được phát minh và áp dụng tại hãng chuyển phát TNT (với sự hỗ trợ của nhà sản xuất thiết bị NEC). Đó là tách biệt  phần mềm khỏi phần cứng trong quá trình chia chọn, và sử dụng hệ thống ra quyết định độc lập – EDS (external decision system). Trước đây, mỗi lần muốn thêm dịch vụ hoặc tính năng mới trên các hệ thống máy móc cũ, TNT phải thay đổi hoặc bổ sung phần mềm khá tốn kém và vất vả. TNT đã quyết định trích xuất thông tin từ trong máy ra ngoài, và do vậy việc vận hành máy giống như một người quản lý luồng công việc (workflow). Máy vẫn chạy như một máy CFC (phân loại, lật mặt, xoá tem) thông thường, nhưng việc điều khiển các hoạt động và các phép đo sẽ do EDS đảm nhiệm, bằng cách lắp thêm cân điện tử và các camera để cân và nhận diện các bưu gửi đã được chia. EDS sẽ phân tích các kết quả thu được để giúp người quản lý biết liệu mỗi bưu gửi có bị in thiếu cước, quá cước, hay đúng quy định. Công nghệ EDS cũng giúp phân hướng các thư trả lời cho các khách hàng khác nhau, chia và đếm số bưu gửi của mỗi khách hàng cá nhân, sau đó cân và gửi thông tin từ EDS đến hệ thống xuất hoá đơn cho khách hàng. Máy đầu tiên áp dụng EDS được lắp đặt vào tháng 4/2011, và các máy còn lại sẽ được triển khai trước tháng 11/2012.

 

Tóm lại, về mặt kỹ thuật, các công nghệ hiện đại đang và sẽ được áp dụng tại bưu chính một số nước công nghiệp trên thế giới là:

 

- Công nghệ tự động hoá:

 

+ Sử dụng các hệ thống nhúng và bộ điều khiển khả trình (PLC), công nghệ điều khiển độ chính xác gia công cơ khí để tự động hoá quy trình chia chọn bưu gửi.

 

+ Sử dụng công nghệ nhận dạng chữ viết – hình ảnh – chuyển động để số hoá thông tin khách hàng trên bưu gửi và giám sát trạng thái cho các hệ thống chia chọn tự động.

 

+ Ứng dụng các hệ thống tích hợp cho tự động hoá quy trình thao tác tại quầy giao dịch.

 

- Công nghệ thông tin:

 

+ Sử dụng công nghệ xác định vị trí như GPS – GIS – RFID để xác định thông tin vị trí khách hàng cho xe và nhân viên bưu chính, giám sát phương tiện vận chuyển, và truy tìm – định vị bưu gửi.

 

+ Sử dụng các công nghệ thông tin tiên tiến như ảo hoá, điện toán đám mây, mạng thế hệ mới (NGN) để hiện đại hoá mạng tin học bưu chính.

 

+ Ứng dụng phần mềm và công nghệ RFID cho quản lý chất lượng.

 

+ Ứng dụng phần mềm và các thuật toán tối ưu để quy hoạch mạng khai thác bưu chính và hành trình vận chuyển của xe bưu chính.

 

- Công nghệ “xanh”: các công nghệ tiết kiệm năng lượng hoặc sử dụng năng lượng thay thế trong hoạt động sản xuất (như điện gió, điện mặt trời), vận chuyển (xe điện “lai”, xe chạy bằng khí sinh học), góp phần giảm lượng khí thải độc hại và bảo vệ môi trường.


Nguồn tin: vnpost.vn